Việt Nam nằm trong số 15 nước có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao hàng đầu thế giới với 47,4% nam giới trưởng thành hút thuốc lá (khoảng 15,3 triệu người). Đồng thời, hai phần ba phụ nữ và trẻ em thường xuyên phải tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại gia đình, nơi công sở, chốn công cộng và trong những đám tiệc do tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng khá phổ biến với tỷ lệ người phơi nhiễm khói thuốc lá gần 60% (33 triệu người).
Mỗi năm, thuốc lá gây ra hơn 40.000 ca tử vong sớm và hàng trăm nghìn ca bệnh. Năm 2000, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá tại Bệnh viện K là 96,8%. Theo Bác sĩ Phan Thị Hải, Phó Chánh văn phòng Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá, năm 2011, bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá làm mất đi trên 1,5 triệu năm sống khỏe mạnh của người Việt Nam, chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong tại Việt Nam. Chi phí ngân sách hàng năm để điều trị 3 bệnh điển hình trong số 25 loại bệnh có nguyên nhân tử vong do thuốc lá là 2.034 tỷ đồng.
Khoa học và thực tế đã chứng minh rằng nếu một người hút thuốc lá thường xuyên trong vòng nhiều năm thì tuổi thọ sẽ giảm đi rất nhiều so với những người không hút thuốc lá, trung bình hút một điếu thuốc là giảm thọ khoảng 3 - 5 phút. Thuốc lá có chứa 4.000 chất độc hóa học, trong đó có hơn 200 loại hóa chất có hại cho sức khỏe và khoảng 40 chất gây ung thư. Thuốc lá hại cho sức khỏe cho chính mình và những người chung quanh mà gần nhất là những người thân trong gia đình, vợ và con mình. Khói thuốc tác động đến hệ hô hấp như làm phát sinh các bệnh viêm phế quản cấp và mãn tính, kích hoạt bệnh hen phế quản, gây ra bệnh tắc nghẽn đường hô hấp mãn tính, khí phế thủng do xơ cứng các phế nang; gây ra các bệnh tim mạch như làm co mạch và xơ vữa mạch máu gây tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, kích hoạt nhồi máu cơ tim, tăng độ đông vón của tiểu cầu làm tắc mạch gây hoại tử một vùng ở một số cơ quan mà thường thấy là các bệnh hoại tử các đầu chi; bệnh ở hệ tiêu hóa như làm hạn chế hấp thu chất dinh dưỡng, viêm loét dạ dày, tá tràng; gây co thắt mạch máu võng mạc mắt làm giảm thị lực; hệ sinh sản ở nam làm suy giảm chức năng sinh lý, giảm sinh tinh trùng, dị dạng tinh trùng và ở phụ nữ có thể gây sảy thai, suy dinh dưỡng bào thai, thai chết lưu hoặc sinh con nhẹ cân; vì cơ thể thường xuyên thiếu oxy nên lao động mau mệt và có thể phát sinh nhiều loại bệnh ung thư khác như ung thu phổi, ung thư miệng, hầu họng, thanh quản, ung thư tụy, ung thư bàng quang, ung thư bộ phận sinh dục, ung thư tử cung …; Với trẻ em hít khói thuốc lá thường xuyên còn ảnh hưởng sự phát triển trí não, sự phát triển thể chất của trẻ và của bào thai, dễ mắc các bệnh đường hô hấp, viêm tai giữa. Có điều nghịch lý là người hít khói thuốc là thụ động (người ở gần người hút thuốc lá) lại bị nhiễm độc nhiều lần hơn người hút vì khói thuốc tỏa ra từ đầu điếu thuốc cháy trọn vẹn nên tỏa khí độc nhiều hơn và đây chính là nguyên nhân có luật cấm hút thuốc nơi công cộng, trong phòng làm việc.
Hình ảnh minh họa tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của con người
Trong 200 chất độc hại của thuốc lá người ta nói nhiều đến chất nicotine. Chất này có thể hấp thu vào cơ thể qua các đường như: qua da dạng như miếng cao dán, qua niêm mạc như dạng nhai thuốc lá và dạng khói như hút thuốc lá. Khi hút thuốc lá, chỉ cần 7 giây chất nicotine thấm vào máu và đến ngay các tế bào não gây cảm giác lâng lâng, bồng bềnh, khoan khoái, thư giãn, có cảm tưởng như sự suy nghĩ, sáng tạo mạnh hơn. Tuy nhiên đấy chỉ là giây phút màu mè ban đầu, một thời gian sau rồi đâu cũng vào đấy tức là không có sáng tạo gì hơn trước khi tập hút thuốc lá. Nhưng nicotine là chất làm cho hoạt động tế bào lì ra không chịu hoạt động. Vì vậy người hút thuốc khi cần tập trung suy nghĩ gì thì phải hút thuốc lá vào để tế bào não hoạt động lại bình thường làm họ lầm tưởng là sáng trí ra vì nhờ hút thuốc. Đây không phải còn là sự “ biện minh” cho việc hút thuốc mà thực sự đã có dấu hiệu phụ thuộc thuốc lá.
Chính vì vậy, việc ban hành và thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/5/2013 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao. Tuy nhiên, đây là Luật mới ban hành ở lĩnh vực nhạy cảm mà có số người hút thuốc là rất cao, các biện pháp hành chính là cần thiết nhưng công tác tuyên truyền rất quan trọng trong giai đoạn đầu và rất cần sự chung tay, chung lòng toàn xã hội, cụ thể là sự quan tâm và gương mẫu ở các cấp lãnh đạo cơ quan, tuyên truyền cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị từ bỏ thuốc lá thì Luật mới lan rộng và đi sâu vào thực tế đời sống cộng đồng./.
Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét