Trang

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Giới thiệu sách:
Lịch sử khởi nghĩa Nam kỳ
Trong suốt chiều dài của sự nghiệp cách mạng ở nước ta, cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ 1940 đã chứng minh một chân lý là muốn lật đổ ách thống trị của thực dân đế quốc để giành độc lập tự cho dân tộc, nhất thiết phải bằng bạo lực cách mạng, bạo lực vũ trang của toàn dân, chứ không chỉ bằng đấu tranh chính trị đơn thuần được với chúng. Chính nhờ bài học về vũ trang Khởi nghĩa Nam kỳ 1940, vũ trang khởi nghĩa toàn quốc tháng 8-1945 mà khi giặc Pháp trở lại xâm lược nước ta, nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn và Nam bộ đã nhất tề nổ súng chống xâm lược, mở đầu cuộc kháng chiến vào ngày 23-9-1945 và tiếp tục suốt 30 năm chống Pháp và chống Mỹ để giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc.
Thư viện tỉnh Ninh Thuận giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách “Lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ”, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản năm 2005. Kết cấu nội dung sách gồm 7 phần và phần Phụ lục được in trên775 trang với khổ giấy 16 x 21cm.
Phần thứ nhất: Hoàn cảnh lịch sử và điều kiện của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Giới thiệu đến bạn đọc Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ kế tục và phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của Tổ tiên ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng; Chiến tranh thế giới thứ hai và những chính sách phản động của thực dân Pháp; Sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, sách lược và phương pháp đấu tranh của Đảng.
Phần thứ hai: Chủ trương khởi nghĩa của Xứ ủy Nam Kỳ và công cuộc chuẩn bị. Trình bày quá trình hình thành và thực hiện chủ trương khởi nghĩa vũ trang, về Hội nghị Tân Hương (Mỹ Tho); Hội nghị Xuân Thới Đông (nay thuộc xã Tân Xuân); Hội nghị  Ban Thường vụ Xứ ngày 3-10-1940 và Thông cáo ngày 4-9-1940 đối với thời cuộc hiện tại; Thông cáo uốn nắn những sai lầm trong lúc chuẩn bị khởi nghĩa. Đồng thời nêu lên sự đối phó của thực dân Pháp đã dùng tòa án xét xử: Một biện pháp trấn áp, đối phó tàn bạo khi các đ/c chí Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Thị Minh Khai cùng nhiều đồng chí khác bị bắt, qua bảng thống kê so sánh (trang 98 -102) chúng ta sẽ thấy rất rõ điều đó.
 Phần thứ ba: Toàn Nam Kỳ nổi dậy. Bạn đọc sẽ tìm hiểu kỹ càng các vấn đề: Xứ ủy hạ lệnh khởi nghĩa; Vì sao Thành phố Sài Gòn – chợ Lớn tích cực khởi nghĩa, nhưng cuộc khởi nghĩa không nổ ra; Về các cuộc khởi nghĩa ở Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Mỹ Tho và Gò Công, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên – Châu Đốc, Rạch Giá và Hà Tiên, Bến Tre, Sa Đéc, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu và sự thiệt hại của địch trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Cuộc khởi nghĩa của nhân dân Nam Kỳ dù có thất bại nhưng sự thiệt hại về mặt tinh thần của thực dân Pháp mới thật nghiêm trọng. Chúng đã bóp chết cuộc khởi nghĩa của nhân dân Nam Kỳ, dấy thêm mâu thuẩn giữa nhân dân và bọn cướp nước thống trị lại càng thêm sâu sắc, hun đúc thêm lòng căm thù của nhân dân ta, rèn luyện thêm tinh thần chiến đấu, tiếp tục đấu tranh, chờ đợi thời cơ vùng dậy giành lại quyền độc lập và tự do. 
 Phần thứ tư: Xứ ủy chủ trương tiếp tục khởi nghĩa. Từ khi các cơ sở và phong trào bị địch phá nát, những đồng chí Xứ ủy còn lại tìm cách gặp nhau và phân công đi các tỉnh để nối lại cơ sở để bàn chủ trương mới ra sao, phương thức thực hiện chủ trương chuẩn bị khởi nghĩa lần thứ hai và có 2 vùng căn cứ chủ yếu là căn cứ Đồng Tháp Mười và căn cứ U Minh hoạt động như thế nào được mô tả chi tiết từ trang 427 - 461.
Phần thứ năm: Trung ương Đảng và các Đảng bộ địa phương cả nước đối với cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Trình bày những hoạt động của các Đảng bộ Bắc Kỳ và Trung Kỳ để thấy rằng cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đã vượt khỏi phạm vi địa giới Nam Kỳ, ở một mức độ nhất định nào đó, nó đã trở thành hành động cách mạng chung cho các nước.
Phần thứ sáu: Sự tàn bạo của thực dân Pháp đối với cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Trong phần này nêu lên những chủ trương thực dân Pháp huy động toàn bộ bộ máy bạo lực phản cách mạng để đàn áp cuộc khởi nghĩa của nhân dân Nam Kỳ và những số liệu chính thức bọn thực dân Pháp bắt những người nổi dậy, tình trạng man rợ trong các nhà tù và chúng dùng tòa án để trấn áp những người nổi dậy.
Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra, toàn dân Nam Kỳ đã nổi dậy, nhưng thực dân Pháp đã kịp ứng phó. Chúng tăng cường mọi biện pháp để đàn áp, khủng bố nhân dân ta với hy vọng làm cho nhân dân dân ta khiếp sợ, không còn dám đứng lên chống lại chúng nữa. Tuy nhiên những chiến sĩ Khởi nghĩa không hề khuất phục trước sự tra tấn tàn bạo của quân thù, bạn đọc sang trang 501 – 505 để nhìn nhận tinh thần chiến đấu ngoan cường thái độ dũng cảm của nghĩa quân ta trước quân thù.
Phần thứ bảy: Tính chất ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của Khởi nghĩa Nam Kỳ. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ  giống các cuộc đấu tranh từ giữa thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX của nhân dân ta về tinh thần yêu nước, về ý chí quật cường của dân tộc chống ách áp bức thống trị của đế quốc xâm lược, nhưng do điều kiện lịch sử cụ thể, lại khác về chất. Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ mang tính chất nhân dân rộng rãi và sâu sắc, vì các tầng lớp, giai cấp, dân tộc, tôn giáo trong xã hội đều tham gia khởi nghĩa trên quy mô rộng lớn khắp Nam Kỳ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tất cả các cuộc đấu tranh nhân dân thành công hoặc thất bại đều để lại những bài học quí giá. Sách trình bày rất rõ ràng về tính chất ý nghĩa lịch sử và 5 bài học kinh nghiệm của Khởi nghĩa Nam Kỳ.
Ngoài 7 phần nêu trên, còn có 24 Phụ lục là những Nghị quyết, Tuyên ngôn, Thông cáo, Lời kêu gọi, Vọng cổ, Bài ca phản đế, Truyền đơn, Tài liệu dịch,…và phần cuối có đăng tải nhiều nguồn tài liệu trong Thư mục Nghiên cứu lịch sử  Khởi nghĩa Nam Kỳ.
Cuốn sách “Lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ” là công trình khoa học lịch sử cấp nhà nước được biên soạn công phu, tổng hợp được nhiều tư liệu quí, nhiều nhận định và kết luận có giá trị đóng góp quan trọng vào việc tổng kết kinh nghiệm của cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta.
Thư viện rất mong được phục vụ bạn đọc gần xa cuốn sách nêu trên. Sách hiện có tại phòng Đa Phương tiện và phòng Đọc tổng hợp Thư viện tỉnh Ninh Thuận. Trân trọng kính mời bạn đọc!
Phòng PVBĐ Thư viện tỉnh NT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét